Sinh thái học Siganus rivulatus

S. rivulatus với hoa văn lốm đốm nâu và trắng (chụp ngoài khơi Jeddah).

Cá con và cá đang lớn sống thành đàn khoảng từ 50 đến vài trăm cá thể, còn cá trưởng thành bơi theo cặp[5]. Thời điểm sinh sản ở S. rivulatus diễn ra vào lúc chiều tối. Trứng được thụ tinh ngoài, có đường kính khoảng 0,5 - 0,6 mm và có độ bám dính[6].

Thức ăn chủ yếu của S. rivulatus là các loại rong tảo[4].

Tác động lên sinh khối tảo

Địa Trung Hải, vùng đáy biển trơ đá với những mảng vỏ của rong san hô thường được gây ra bởi những quần thể nhím biển của Paracentrotus lividusArbacia lixula, là những loài chuyên ăn tảo ở vùng biển này[7]. Vào năm 2008, các nhà nghiên cứu nhận thấy, nhiều khu vực rộng lớn ở ven bờ Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không có tảo mọc, nơi mà nhím biển hiếm được tìm thấy[7].

Các loài tảo đáy lại có khá nhiều ở những địa điểm khác chỉ cách xa nơi khảo sát vài km nên giả thiết nồng độ dinh dưỡng trong nước biển thấp được loại bỏ[7]. Để kiểm tra xem có phải các loài cá ăn rong tảo là nguyên nhân gây ra hiện tượng xói mòn trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm quan sát các loài cá ở bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả cho thấy, cả hai loài cá dìa Siganus luridus và S. rivulatus chiếm từ 83% đến 95% tổng số lượng các loài ăn thực vật được quan sát tại các điểm nghiên cứu[7]. Cả hai loài cá này là nguyên nhân chính cho việc suy giảm sinh khối tảo xuống mức cực thấp ở vùng bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.[7]

Ngoài ra, Sparisoma cretense là loài cá ăn thực vật duy nhất được quan sát tại các địa điểm trên, nhưng số lượng của chúng chỉ chiếm từ 5% đến 17% tổng số lượng loài ăn thực vật[7]. Loài cá ăn thực vật bản địa của Địa Trung Hải là Sarpa salpanhím biển không được nhìn thấy trong lần khảo sát này[7].

Loài ăn sứa

Một cá thể S. rivulatus (chụp ngoài khơi đảo Crete, Hy Lạp).

Tuy được xem là một loài ăn thực vật, nhưng các nhà ngư học quan sát thấy S. rivulatus, và cá đuôi gai Zebrasoma desjardinii, đã ăn các loài sứa lược và sứa Aurelia aurita (lớp Scyphozoa) ở khu vực phía bắc Biển Đỏ trong suốt khoảng thời gian từ cuối mùa xuân đến đầu mùa hè[8]. Những con sứa thường bị nhiều cá thể săn mồi tấn công cùng một lúc[8].

Theo kết quả nghiên cứu, S. rivulatus lần lượt chiếm 37% và 51% số vụ tấn công các loài sứa lược và sứa A. aurita gây ra bởi các loài cá. Xếp sau S. rivulatus là cá bướm Chaetodon fasciatus (27% và 12%) rồi đến Z. desjardinii (17% và 24%); tỉ lệ tấn công sứa ở các loài cá khác thấp hơn 6% tổng số lần quan sát[8].

Kết quả trên cho thấy, săn mồi trên động vật phù du dạng keo (gelatinous zooplankton) chiếm ưu thế cao ở S. rivulatus. Mặc dù các loài cá ăn thực vật có thể vô tình ăn phải những động vật không xương sống nhỏ khi đang ăn rong tảo, nhưng việc ăn có chủ ý các loài sứa được quan sát đối với S. rivulatus và Z. desjardinii cho thấy rằng, chế độ ăn của chúng nên được đánh giá lại[8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Siganus rivulatus http://sfi-cybium.fr/sites/default/files/pdfs-cybi... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3043076 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6402366 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21364943 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/30838973 //dx.doi.org/10.1007%2Fs12526-016-0454-9 //dx.doi.org/10.1051%2Fparasite%2F2019014 //dx.doi.org/10.1371%2Fjournal.pone.0017356 //dx.doi.org/10.2305%2FIUCN.UK.2010-4.RLTS.T155025... http://www.etyfish.org/acanthuriformes2